Hưởng ứng
Ngày Thalassemia thế giới 8/5 với chủ đề: " Tăng cường phổ cập thông tin
và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng
nòi giống Việt".
Ngày Thalassemia thế giới được tổ chức vào
ngày 8/5 hàng năm là một cơ hội để giúp những người mắc bệnh này sống khỏe mạnh
hơn, lâu hơn và hiệu quả hơn thông qua việc chia sẻ kiến thức, trao đổi thông
tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức có mục tiêu và giáo dục chất lượng
về bệnh Thalassemia.
Bệnh
tan máu bẩm sinh được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925. Bệnh có hai
biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải điều trị
suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ sẽ có nhiều biến chứng
làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động..
Bệnh
tan máu bẩm sinh có thể dự phòng hiệu quả tới 90 – 95% nếu thực hiện các biện
pháp dự phòng sau:
Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được khi có hiểu biết đầy đủ về
bệnh và có biện pháp phòng tránh ngay từ hôm nay.
Tầm soát và phòng tránh bệnh từ sớm: với các biện pháp xét
nghiệm, tư vấn tiền hôn nhân. Các cặp vợ chồng chuẩn bị có thai hoặc đang mang
thai, đặc biệt các gia đình đã có người bệnh Thalassemia nên được tư vấn và
chẩn đoán tiền hôn nhân.
Sàng lọc phát hiện bệnh sớm cho thai nhi: phòng ngừa bằng các xét
nghiệm tầm soát và chẩn đoán gen đột biến trong thời thai kỳ. Đây là biện pháp
hiệu quả và chi phí thấp. Nếu cả vợ và chồng đều mang gen thì thai nhi có 25%
nguy cơ bị mắc bệnh ở thể nặng, trường hợp này cần được thực hiện chẩn
đoán trước sinh bằng phương pháp chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau và tìm
đột biến gen.
Đối với bệnh nhân mức độ nặng và trung bình cần: truyền máu định kỳ và
dùng thuốc thải sắt suốt cuộc đời; đến khám và điều trị đúng hẹn; khám
lại ngay khi có dấu hiệu bất thường như: mệt nhiều, đau tim, khó thở,
sốt cao, phù…; phẫu thuật cắt lách giúp kéo dài khoảng cách thời gian giữa
các đợt truyền máu; ghép tế bào gốc điều trị bệnh, biện pháp này cần phải đáp
ứng điều kiện ngặt nghèo hơn như phải tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp, điều
kiện sức khỏe đảm bảo, các chi phí ghép…
Người bệnh Thalassemia có thể sinh hoạt, làm việc, kết hôn và sinh
con khi được điều trị đầy đủ, tuân thủ các phác đồ điều trị và có chế độ dinh
dưỡng, sinh hoạt hợp lý. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gồm:cân bằng các
chất giàu dinh dưỡng; không ăn thức ăn chứa nhiều sắt (thịt bò, mộc
nhĩ, rau cải xoong…); để hạn chế hấp thu sắt khi ăn từ các thực phẩm
sau bữa ăn nên uống 1 cốc nước chè xanh; bổ sung các thực phẩm giàu
kẽm ( sò, củ cải đường, đậu nành…). Đối với chế độ sinh hoạt cần
hạn chế lao động nặng các hoạt động gắng sức; tránh bị nhiễm
trùng; vận động, tập luyện các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp…
Thalassemia là bệnh có thể phòng tránh được. Do vậy, việc phòng
tránh, tìm hiểu và được tư vấn, tầm soát gen bệnh sớm, trước kết hôn sẽ hạn chế
được nguy cơ sinh ra những đứa trẻ mang gen hoặc bị bệnh, góp phần đảm bảo chất
lượng dân số cho cộng đồng.
Để có gia đình mạnh khỏe – hạnh phúc, vì chất lượng giống nòi và
tương lai đất nước, hãy tích cực tham gia phòng bệnh Thalassemia.