Theo báo cáo của hệ thống giám sát
bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tính đến ngày 12/8/2024 khu
vực miền Bắc đã ghi nhận khoảng 12.043 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue,
cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó số mắc cao nhất ở Hải Phòng
với 9.071 trường hợp với 855 ổ dịch được ghi nhận, tiếp đến là Hà Nội với 1.506
trường hợp. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đã ghi nhận
các trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue từ Hải Phòng, Hà Nội về điều trị và
phát sinh 06 ổ dịch nhỏ tại Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh, Tp. Ninh
Bình. Mặc dù số mắc chưa cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên theo dự
báo, sau khi kết thúc những đợt nắng nóng sẽ có mưa nhiều, kéo dài, là điều kiện
thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, kết hợp với sự tồn tại của vi rút
Dengue trong cộng đồng và sự di chuyển của bệnh nhân từ những nơi có dịch về
Ninh Bình, là các yếu tố nguy cơ dẫn đến phát sinh thêm các trường hợp mắc và
các ổ dịch sốt xuất huyết Dengue.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
trong thời gian tới, không để dịch bệnh bùng phát tại địa bàn, Trung tâm Y tế
thành phố Tam Điệp có một số thông tin và biện pháp phòng bệnh sau:
- Bệnh lây truyền qua muỗi vằn. Muỗi vằn đẻ trứng trong
các dụng cụ chứa nước trong, sạch như: chum, vại, các vật dụng phế thải
có chứa nước như gáo dừa, lon sữa, lốp xe v.v.. Muỗi vằn mỗi lần đẻ 10 đến
78 trứng, trứng sẽ nở thành lăng quăng, sau đó thành bọ gậy rồi thành muỗi trưởng thành.
Do đó diệt lăng quăng, diệt muỗi là cách phòng Sốt xuất huyết dễ làm, rẻ tiền, ít độc
hại. Vì vậy để phòng bệnh chúng ta cần thực hiện các khuyến cáo sau:
1. Phát quang cây cỏ rậm rạp xung quanh nhà, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ để
tránh muỗi có nơi trú ẩn.
2. Khi ngủ cần ngủ trong màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
3. Diệt muỗi và tránh muỗi đốt bằng cách sử dụng nhang diệt muỗi, thuốc diệt muỗi, vợt
điện bắt muỗi hoặc bôi kem chống muỗi đốt...
4. Không để muỗi có nơi sinh sản bằng cách dọn dẹp rác
thải, thu gom các vật dụng có chứa nước
đọng ở xung quanh nhà như vỏ đồ
hộp, gáo dừa, lốp xe, chai
nhựa, bẹ dừa,…
5. Các vật chứa nước sinh hoạt hằng ngày như: Chum,
vại, bể chứa nước cần đậy nắp kín hoặc được cọ rửa tuần /1 lần để
diệt trứng muỗi và lăng quăng. Nếu bể nước, hồ nước không súc rửa hàng tuần
được cần thả cá bảy màu để diệt lăng quăng. Vì sức khỏe gia đình và cộng đồng đề nghị
chúng ta cùng thực hiện khẩu hiệu: “Mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy”